Thật ra câu trả lời đã có trong bạn từ lâu rồi. Câu trả lời chính là khoảng thời gian bạn muốn lấy được tấm bằng đó. Vấn đề lớn nhất chưa bao giờ nằm ở bằng JLPT có khó đến mức nào mà là bạn muốn chinh phục nó đến mức nào mà thôi! Nếu bằng JLPT thật sự khó và quá sức, liệu hằng năm có nhiều người thi đậu hay không?
Bạn có biết vì sao một người chuẩn bị đi du học lúc nào cũng học ngoại ngữ nhanh hơn những người học chuyên ngành ngoại ngữ trong nước hay không? Trước hết là áp lực về thời gian, họ không có vài năm để chuẩn bị như học sinh học trong nước. Các đợt du học thường sẽ chuẩn bị trong vòng 6 tháng đến một năm mà thôi. Và nhiệm vụ tối quan trọng là phải lấy được tấm bằng chứng minh khả năng ngoại ngữ trong khoảng thời gian đó. Vậy nên, vì áp lực đó mà họ khao khát mục tiêu chinh phục ngoại ngữ. Ngược lại, bạn dư dả thời gian và nghĩ rằng điều đó hữu ích hơn cho việc bạn từ từ "nhấm nháp" món ăn chưa bao giờ là dễ thưởng thức này. Để rồi bạn hằng đêm, hằng tuần đều trăn trở tới lui câu hỏi muôn thuở: Bao giờ thì có bằng???
Bạn muốn lấy bằng ư? Lập tức đăng ký kì thi gần nhất để tham dự là được. Ngày trước, mình có mục tiêu là thi IELTS được 6.0 để có cơ hội vào những trường Đại học công lập tốt ở Việt Nam. Tham dự nào khóa pre-IELTS (Chuẩn bị cho người mất gốc) rồi khóa học Nâng cao, khóa Từ vựng + ngữ pháp siêu tốc bla. bla... Cứ tuần 3 buổi vác sách vở vào trung tâm ngồi nghe đĩa nói và ông giáo viên người Philipins luyên thuyên hơn tiếng mấy, xong chào mấy câu "good night", "thank you teacher", "see you tomorrow"... nghe cho Tây tây rồi đi về. Đợi đến buổi học sau thì quên phắng hết hôm trước học cái gì. Cứ như thế, hơn một năm trôi qua, hàng đống tiền học phí đã giã từ mà bằng IELTS đến cái 4.0 cũng chẳng thấy đâu.
Chán.
Nghỉ.
Chuyển qua học tiếng khác cũng bị bệnh nửa mùa rồi nghỉ ngang.
Mãi đến khi quyết định đi du học Nhật, giáo viên nói phải học cấp tốc 6 tháng mới làm hồ sơ, phải bổ sung luôn bằng N4 trung tâm mới chịu "giao người" qua Nhật. Mà khổ lắm, mới học mấy bài đầu Minna no Nihongo thôi hà, chữ đọc còn chưa chạy thì bảo chi mà N4 cho xa xôi. Cô kêu lên văn phòng, dặn đi dặn lại là phải lấy được cái N4 về đây. Ừ, thôi thì ráng!
Tôi thi nghe ở trường KHXH&NV với nỗi lo không thể nào tả nỗi. Vừa lo trượt, vừa lo cho cái thân nghe ngóng thế này thì sang Nhật có mà bị hành cho lên bờ xuống ruộng mất (mà thật là vậy!) Rồi cũng lấy được cái bằng Nat-test N5. Lúc đó thấy mình dữ dội lắm, chiến công lắm. Đi đâu cũng dõng dạc khoe có bằng N5, được xếp vào hàng "có bằng tiếng Nhật cho oai với đời" rồi nhen.
Bạn tôi call cho tôi hỏi han, cô ấy cũng đang theo học khoa tiếng Nhật của một trường Đại học ở Việt Nam, mà khổ nỗi Đại học nước mình năm đầu chơi vui, học cũng mấy môn chung chung thôi. Thế là cô ấy lân la đi đăng ký khóa học bên ngoài với lời quảng cáo ngọt ngào: Chỉ hai năm em sẽ lấy được bằng N4!
Tôi liền henji lại (tức trả lời): Honto ni? (tức- thiệt á hả?)
Từ việc đó, tôi nhận ra cái sai lầm be bét của mình thời Trung học khi mãi mãi dành năm tháng đó để đi HỌC mà không đi THI! Học mà không thi giống như một anh cầu thủ ngày đêm luyện tập nhưng đời đời chẳng bao giờ có cơ hội ra sân vậy. Tức, mọi thứ vô nghĩa! Phải THI để biết mình đang ở đâu đặng còn về cố gắng. Cứ sợ, cứ đợi. Sợ gì? Đợi cái chi? Sợ trượt? Đợi khi nào đủ trình độ? Thế là bạn đã trượt ngay từ ý chí của mình, để rồi tối ngày đau đáu: Bao giờ lấy được cái bằng?
Hãy cứ lấy cái bằng trước đi! Nhiều người hay ngạo nghễ phán: Có bằng mà chẳng mở miệng nói chuyện ra hồn, không dùng được thì vô nghĩa. Đầy người giỏi nói chuyện lưu loát mà không cần bằng và đầy người có bằng xong vứt bằng bỏ xó vì vô nghĩa.
Thú thật, tôi đã gặp người không cần bằng vẫn nói ngon ơ rồi: Người bản xứ! Còn có bằng mà không dùng được chắc là... bằng copy. Tức vô thi dòm bài người ta đánh theo ngon lành ra nhận cái bằng. Thì đương nhiên bó tay. Còn người thi đậu thực lực, dù điểm cao thấp tức người ta đã có một cái hạn mức thì không bao giờ có chuyện vứt bằng cả. Vì đó là cả một khoảng thời gian người ta tranh đấu dữ dội và cố gắng lắm mới có được.
Kết lại, sau khi đọc bài viết này, nếu bạn đã ôn tập đâu được 2-3 tháng thì mạnh dạn đăng ký đi thi đi. Bạn có thể đậu, có thể trượt, có thể điểm thấp cũng có thể là điểm cao. Nhưng chỉ cần thi một lần thôi, bạn đã tự tin hơn rất nhiều so với việc bạn chui rúc trong phòng ôn luyện và suốt ngày tự nhủ: "Gần thi được rồi, cố lên!".
Đừng suy nghĩ vô nghĩa nữa, đơn giản là không thi thì không có bằng! Không đi thi mà lại cứ hay hỏi: "Mất bao lâu để lấy được bằng JLPT N2, N3?", hỏi câu này thì tiến sĩ Google cũng câm nín!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét