Những ngày dịch bệnh, nghỉ học nghỉ làm liên miên, thời gian rảnh rỗi nhiều đến mức mỗi ngày trôi qua trong vô vị. Và hôm nay mình quyết định viết một bài để nói về việc học thư pháp - một bộ môn thích hợp để luyện vào thời điểm này nhất.
Bài viết dưới đây mình sẽ hướng dẫn mọi người mua dụng cụ, toàn bộ dụng cụ sẽ rơi vào khoảng 3000yen, tuỳ chất lượng từng món. Nhưng đối với một người mới bắt đầu (cũng chẳng biết theo được bao lâu) thì đây là mức giá phù hợp nhất.
1. Bút lông.
Đây chính là “sinh mệnh” của Thư pháp. Mình mua bút bản to 入門用書写筆, dành cho những ai mới bắt đầu. Bút có giá là 808yen (chưa thuế). Đúng chuẩn bút viết thư pháp phải được làm bằng gỗ, nhưng bút này lại làm bằng nhựa. Tuy nhiên, phần đắt giá của bút lông chính là ngòi bút. Ngòi bút phải to đi nét mới rõ, đẹp, dễ nhìn được lỗi sai để sửa. Lông của ngòi bút phải mềm, nhưng phết mực viết phải thấm tốt, đầu bút không bị tưa, rụng lông các kiểu.
Bạn không cần mua mấy set bút lông có 3-4 cây lớn nhỏ các kiểu, chỉ cần mua lọt cây này thôi là quá đủ.
2. Thanh trúc bảo vệ bút lông. (筆巻)
Có khá nhiều loại bao giúp bạn bảo vệ bút lông. Kiểu dáng bằng nhựa, vải v.v... sẽ rẻ hơn so với loại bằng trúc, tre. Mình muốn mua loại mang hơi hướng cổ điển một chút nên đã chọn loại 白竹 có giá là 328yen (chưa thuế). Thanh trúc mỏng, bạn luyện xong, rửa sạch bút, lau khô nhẹ nhàng rồi đặt vào thanh trúc quấn lại. Thanh trúc có dây để cố định nên không sợ rơi bút đâu nhé!
3. Nghiên mực. (本石天平硯)
Một món không thể thiếu trong Thư pháp đấy chính là nghiên mực. Nghiên mực nên mua loại đá, càng nặng càng tốt, không nên mua loại nhựa. Bởi khi quét mực, đá sẽ thấm mực nhanh, còn nghiên mực nhựa sẽ bị ứ mực lại. Mình đầu tư hẳn em nghiên mực giá 568yen (chưa thuế).
Tuy bằng đá nhưng em ấy cũng mong manh sương khói lắm, mọi người khi chùi rửa nhớ chú ý để đừng khiến nghiên mực của tụi mình va đập vào đâu nha.
4. Mực đen (墨液)
Sau khi có nghiên mực rồi thì không thể thiếu mực được đúng không nào? 😊 Ở Nhật bạn sẽ dễ dàng mua được lọ mực đen với cái giá siêu rẻ luôn. Nếu làm mực kiểu Trung bạn phải đầu tư một bộ nghiên mực thật “ra gì”, sắm thêm thanh mài mực, sau đó thêm một lượng nước nhỏ vào rồi mài khí thế đến khi ra mực là OK.😊
Nhưng mình muốn tiện lợi nên đã mua lọ mực 180ml với giá rẻ bèo 98yen (chưa thuế). Khi viết chỉ cần đổ mực vào nghiên là OK. Không cần pha chế thêm bất cứ thứ gì luôn.
5. Khăn lau mực. (墨フキ)
Chắc hẳn bạn đang nghĩ tại sao phải mua thêm khăn lau mực, cứ tận dụng mấy khăn lau ở nhà là quá ổn có đúng không?
Khi bạn viết Thư pháp, bạn sẽ dùng lượng mực nhiều hơn bạn tưởng. Và khăn lau này sẽ thấm mực nhanh, giữ mực không lan ra bàn ghế. Và dặc biệt là siêu cấp dễ giặt luôn nhé. Chỉ cần vò nước sương sương là mực tự động trôi đi hết. Rất nhanh khô nữa. Mình mua khăn lau với giá là 128yen (chưa thuế)
Chú thích nho nhỏ là không dùng bất kỳ xà phòng nào để giặt nhé các bạn!
6. Giấy viết thư pháp. (書道用練習用)
Có nhiều loại giấy viết thư pháp, nhưng hãy nên mua loại giấy này. Theo mình giấy này có giá hơi chát, 148yen chỉ có 50 tờ thôi mọi người. Nhưng giấy viết rất êm, khô nhanh, màu giấy đẹp. Tóm lại là xứng đáng đồng tiền.
7. Vải lót giấy (下敷)
Vì giấy viết thư pháp rất mỏng, nên cần phải có thêm vải lót. Vải lót phải dày dặn, màu tối là tốt nhất. Trên vải lót giấy thường có in thêm khung để khi viết bạn có thể dễ dàng căn chữ của mình cho thật ngay ngắn. Vải lót này mình mua hết 168yen (chưa thuế)
8. Thanh chặn giấy (文鎮)
Món “bảo bối” đắc lực cuối cùng chính là thanh chặn giấy đấy mọi người. Để giữ giấy viết luôn phẳng phiu, không bị gió thổi, bị dịch chuyển bởi nét bút thì mình khuyến khích mọi người mua món này nhé. Hoặc nếu không bạn cứ ra daiso mua hòn đá chặt giấy cũng OK luôn. Mình mua thanh chặn giấy kiểu cổ điển chút cho đồng bộ có giá 398yen (chưa thuế)
Tất cả các món trên mình đều mua ở siêu thị コーナン hết. Bạn nào có túi vải không dùng đến có thể đựng các món trên vào túi đó. Hoặc nếu không có thì chỉ cần 110yen là có thể mua được một chiếc túi vải xinh xinh ở cửa hàng đồng giá DAISO rồi.
Thư pháp là một bộ môn rất khó. Cái khó của nó không chỉ nằm ở con chữ mà còn nằm ở tâm tình người viết. Tâm người viết phải thật ung dung, chậm rãi thì con chữ viết ra mới đẹp, mới đúng, mới thuần khiết. Tiếc thay, người trẻ như chúng mình ai cũng vội vàng, ít ai chịu lắng lại, nghe tâm hồn mình đang ẩn chứa những điều gì.
Bạn không cần phải là một người nội tâm, trải đời hay Thiên tài để học được môn này. Học thư pháp- luyện chữ và rèn nết người. Nếu bạn muốn tìm một góc bình yên trong tâm hồn mình, sao không thử nhân những ngày nghỉ này tranh thủ tận hưởng cái gọi là “sống chậm” mà bao người vẫn ngợi khen?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét