Những người không giỏi hoặc không có kinh nghiệm quản lí tài chính thì chuyện tiền bạc thiếu trước hụt sau là điều khó tránh khỏi. Bản thân mình trước đây từng có 7 năm làm thủ quỹ trên ghế nhà trường. Ngoài ra, mình cũng khá tự tin vào khả năng quản lí tài chính "không hụt một xu" của mình. Vậy nên, bài viết lần này sẽ xoáy vào sự thật về chuyện tiền nong của những du học sinh cũng như đề cập một số tips "giữ tiền" cho những ai chưa có kinh nghiệm quản lí tài chính của bản thân.
Mình có vài bạn bè xung quanh, họ cũng như bao du học sinh khác, ngày đi học, đêm đi làm. Có những người ngoài việc trang trải cuộc sống, họ cũng phải làm việc để trả nợ số tiền họ đã mượn vay lúc đi du học, vậy nên canh cánh trong lòng họ luôn là chuyện tiền bạc. Nếu chúng ta ở gần gia đình, lỡ trót mua món đồ hoặc chi tiền cho việc nào đó quá nhiều thì gia đình, bố mẹ sẽ nhắc nhở chúng ta kiểm soát chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, cuộc sống xa nhà không có ai thay mình quản lí thì chúng ta dẽ bị cuốn theo việc tiêu xài.
Bạn của mình, thỉnh thoảng lại phải mượn tiền mọi người xung quanh để bù đắp một khoảng chi phí đã trót chi tiêu quá tay. Mỗi tháng, mọi người ngoài sinh hoạt phí phải để thêm tiền học phí, và cả tiền trả nợ (nếu có). Nên nếu khi nào trót chi tiêu không kiểm soát thì sẽ bị hụt khoảng phí trên. Lúc đó đành mượn tiền của bạn bè xung quanh để bù vào.
Thế nhưng, không phải lúc nào cũng có những mối quan hệ tốt để giúp bạn mượn được số tiền bạn cần. Những lúc như thế thì thật sự rắc rối và khó khăn đúng không nào? Mọi người ngại cho mượn tiền hầu hết vì ở xứ xa, họ không yên tâm khi phải đưa ra một số tiền lớn. Hơn nữa, rất nhiều trường hợp mình biết hai người đã trở mặt vì chuyện tiền bạc phá hủy hoàn toàn mối quan hệ của họ.
Một người mượn tiền, một người cho mượn, người mượn tiền đột nhiên bay về nước, toàn bộ liên hệ đều bị cắt. Đến lúc tình nghĩa không cứu vãn được nữa, người cho mượn mới nháo nhào tìm toàn bộ thông tin về đối phương. Mà hầu hết các trường hợp này đều có kết thúc rất là bung bét và không mấy tốt đẹp. Họ sẽ công khai danh tính, tin nhắn làm chứng cùng với những lời lẽ rất khó nghe về đối phương lên các group, các mạng Xã hội. Và điều này thực sự khiến đôi bên đều tổn thương.
Mình cũng từng đã cho bạn bè xung quanh mượn tiền, và hầu hết kết cục cũng chẳng mấy vui vẻ gì. Không đến mức chúng mình mang nhau lên mạng để phanh phui, mổ xẻ nhân cách nhau nhưng cũng đã đủ làm một mối quan hệ bạn bè bị rạn nứt. Khi mình và bạn bè còn là học sinh, còn ngồi trên ghế nhà trường, lúc chúng mình còn chưa vướng bận nhiều về tiền bạn thì tình cảm bạn bè thật sự rất đẹp đẽ. Thế nhưng, cuộc đời lúc nào cũng có một chút tăm tối, khi chúng mình bắt đầu rời xa gia đình, tự lập thì guồng quay của cuộc sống đã khiến mối quan hệ của chúng mình rạn vỡ. Mà đau lòng hơn là nó rạn vỡ vì tiền bạc- trần trụi, khổ sở biết bao!
Mình có một vài mẹo nho nhỏ để chuyện tiền nong của bạn đi đúng kế hoạch, không bị vượt chi tiêu:
1. Luôn chia nhỏ số tiền của bạn.
Mình chia làm 3 phần là: Sinh hoạt phí, Học phí, Tiền dự phòng. Tùy tiền lương của bạn mà bạn sẽ chia cho các phần trên như thế nào nhé.
2. Luôn dự phòng tiền trước xài.
Bạn phải đặt riêng ra một số tiền mỗi khi vừa lãnh lương nhé. Đừng để bao giờ xài xong mới để phần dư ra, vì 99% là không có dư ra đồng nào.
3. Tìm cách tăng thu nhập.
Mình hiện vẫn đang làm 28h/tuần nhưng làm 2 việc, tức mỗi việc mình là tầm 14h/tuần thôi. Sở dĩ làm như vậy là để đảm bảo số tiếng của bạn luôn ổn định nhất. Hơn nữa việc chia ra hai công việc như thế sẽ khiến bạn đỡ "ngán việc" hơn.
Đó là ba cách mình luôn luôn áp dụng để ngăn chặn tình trạng chi tiêu quá tay. Chỉ cần áp dụng cách này mình tin rằng chuyện tiền nong sẽ không còn là vấn đề đau đầu nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét