2019/05/23

[CHUYỆN CỦA NIJI] Chuyện người Việt lừa người Việt trên đất Nhật.

Nghe bảo cách đây tầm chục năm về trước, "du học" là chỉ dành cho giới nhà giàu hoặc ai học giỏi nhất làng nhất huyện mới được đi ra xứ người. Lúc đấy người Việt sang Nhật khá ít, phần đông mọi người có học bổng hoặc gia đình sẵn tài chính nên vấn đề tiền bạc không quá trăn trở, có lẽ vì thế mà khi ấy hai từ "đồng hương" tha thiết và thân thương đến dường nào. 

Những năm trở lại, do chính sách tăng cường tiếp nhận Du học sinh của chính phủ Nhật Bản đã giúp những người "bình thường" đúng nghĩa - không giàu có, không xuất chúng- cũng có cơ hội du học. Và rồi rất nhanh, số người du học Nhật càng tăng lên, các công ty môi giới cũng theo đó mà mọc lên như nấm. Nhưng trong số đó, lượng người du học thật sự thì ít, còn lại chủ yếu là "du học trá hình". Tức là lấy danh nghĩa du học để sang đi làm thêm thật nhiều tiếng rồi gửi tiền về trả nợ, để có chút vốn ổn định sau này v.v... Có lẽ vì cuộc sống tiền bạc thật sự quá tối tăm nên phát sinh vấn nạn "lừa đồng hương" nhan nhản mỗi ngày. 



Mình cũng nếm trải kha khá trường hợp bị lừa, mà tất cả đều đến từ người Việt! Vậy nên bài viết này mình sẽ nói về những trường bị lừa phổ biến nhất, thậm chí có những trường hợp mình đã được trải nghiệm. 

Hình ảnh có liên quan

1. Điện thoại, sim, wifi giá rẻ các loại.

 Để bắt đầu một cuộc sống mới ở Nhật việc bạn cần làm chính là sắm sửa điện thoại và sim các loại đúng không? Mình khi ấy ngáo ngơ mới sang Nhật, cô quản sinh ở trường (người Việt) đã dắt bọn mình đi đăng ký điện thoại. Thật ra mình muốn có chút thời gian suy nghĩ, cũng muốn dùng điện thoại vừa thôi, không muốn trả góp nhiều. Thế nhưng với những lời "khuyên nhủ", "dọa dẫm" của cô quản sinh, mình đã ký luôn vào hợp đồng mua Iphone 7 (khi đấy là đời mới nhất). Để rồi trả tới bây giờ vẫn chưa hết nợ! Còn chị ấy thì ung dung nhận tiền hoa hồng và ra về. 

Sau này, mình mới biết cách dễ nhất là bạn khoan vội mua máy ngay khi mới sang. Chỉ cần đến cửa hàng điện máy, hoặc lên amazon, rakuten mua đứt một con máy tầm tầm về, chạy ra nhà mạng nào bạn cảm thấy ưng: Docomo, Sofbank, Rakuten v.v.. đăng ký ngay một cái hợp đồng và sim. Bảo đảm rẻ mà sẽ không phải trả góp đến ngớ cả người (như mình).  

Bây giờ lại còn phát sinh thêm mấy loại wifi giá rẻ nữa cơ (mà toàn người Việt bán online mới khiếp). Mình khuyên thật nếu bạn chưa giỏi tiếng hoặc không có người quen đáng tin thì cứ nhẫn nhịn xài 3g đi, đừng cố chấp đăng ký wifi 3-6-8 tháng linh tinh gì đó. Đến lúc giỏi tiếng đọc lại có mà tức đến chết mất! Sau này ở Nhật một thời gian, nếu bạn vẫn muốn dùng thì có thể chạy ra docomo, softbank để đăng ký. Chính mình tìm hiểu và chủ động làm hợp đồng thì khó ai mà lừa tiền bạn được. TUYỆT ĐỐI ĐỪNG ĐĂNG KÝ HỘ HAY NHỜ BẤT KỲ CTV NÀO ĐĂNG KÝ HỘ!

P/s: Riêng mình sống ở Nhật gần 3 năm cảm thấy cái wifi đó chẳng cần thiết mấy. 3g là đủ êm rồi!

2. Cầm đồ đạc, tiền về Việt Nam. 

Vụ này thì phốt to nhỏ phải nói là ngày nào cũng có luôn. Toàn kiểu giao tiền, đồ cho người đâu đâu trên Facebook (kiểu dịch vụ online này kia í), xong nó nhận rồi im luôn phăng phắc, block Facebook, chặn số các loại thì bắt đầu lên hội, group làm ầm lên tìm. :)) Rõ ràng là bản thân tự tìm đến người ta nhờ vả còn gì? Đã tin thì đừng kêu! Cách an toàn nhất trần gian là mang ra bưu điện, bảo nó ship về rồi trả tiền, cao hơn tí mà an toàn biết bao. Không thì phải nhờ bạn bè cùng lớp, trường gửi về giùm rồi trả người ta xíu phí. Mình biết có nhiều bạn ngại nhờ người quen biết cầm về vì sợ người ta biết :)), xong đến lúc mất thì đi đủ hội nhóm trên Facebook đăng tin. Sao không giữ bí mật nốt đi:)) 

Còn về việc cầm tiền, thật ra bạn có thể gửi qua DCOM này kia cũng yên tâm (du học sinh vẫn gửi được, không bị check ra đâu). Hoặc căng lắm thì nhờ người quen, bạn bè CÙNG TRƯỜNG, LỚP mang về cho. Tốt nhất là phải giao tiền cho người mình biết mặt ngoài đời, có tiếp xúc thì mới nên giao tiền. Đừng vì ngại bạn bè biết này kia lại dúi tiền cho mấy người làm dịch vụ online trên Facebook thì có mất cũng ráng chịu, chứ sao tìm lại được??? 

Nên nhớ, đồng tiền của bạn đều là công sức của bạn, đừng để kẻ khác nuốt mất!

3. Giới thiệu việc làm.

Đây là một vụ lừa đảo từ người Việt mà mình đã dính:)) Chuyện là sang thời gian đầu tiếng bập bẹ như trẻ con nên không xin nổi việc ở đâu. Đi làm xưởng bentou thì đuối chịu không nổi nên có ý đổi việc. Khi ấy mình đã liên hệ với một chị trên Facebook - chưa một lần gặp mặt- rằng mình muốn được giới thiệu công việc.


Phí giới thiệu từ chị ấy là 8000yên (~1tr6 VND). Mình ok luôn, túng quá mà! Nhận tiền xong, chị ấy cũng mail này kia bảo là "Ừ ừ, chị liên hệ bên công ty rồi có gì báo lại cho em.." Còn đưa cho mình mã số cơ:)) Sau đó? Không có sau đó! Bởi chỉ tầm 3 ngày sau chị ấy chặn Facebook mình, không một lần liên lạc lại. Khi đó mình biết, mình lại ngáo ngơ nữa rồi! Đó cũng là một trong những lý do mình khuyên các bạn phải gặp mặt nói chuyện rồi mới xem xét có nên giao dịch không, đừng có khơi khơi chuyển tiền qua Facebook như thế, đau tim lắm!

Còn nữa, nếu bạn cần tìm việc làm, hãy liên hệ nhà trường hoặc anh chị trong trường, đừng tự tiện quyết định khi bạn còn quá non tay nơi xứ người. 

4. Mượn thông tin. 

Điều cấm kỵ trong ngàn điều cấm kỵ là đây! Mình suýt bị mượn thông tin một lần. Nếu có ai muốn mượn thông tin bạn để đăng ký nhà ở, mạng internet, điện thoại, hay chỉ là ké thông tin để đi làm thêm cũng tuyệt đối không được. Thông tin và tiền của bạn phải là điều tuyệt mật!!! Ở Nhật này, chỉ cần tên, số điện thoại, địa chỉ nhà cùng cái ảnh của thẻ ngoại kiều thôi là người ta có thể đăng ký được đủ thứ đấy! Vậy nên, nếu bạn không muốn cuối tháng nhận ti tỉ hóa đơn từ trên trời rơi xuống thì làm ơn giữ thông tin của mình kín kín vào. 

5. Hack nick. 

Theo thống kê thì lượng Hacker tập trung đông đúc tại hai quốc gia là Trung Quốc và Mỹ. Thế mà từ ngày sang Nhật mới phát hiện người Việt mình hacker cũng siêu phết! Những kẻ này đánh cắp nick bạn, mạo danh bạn lừa tiền bạn bè, bố mẹ sau đó lặn mất và để lại cho bạn muôn vàn rắc rối. Để tránh trường hợp này, một khi được cảnh báo có người cố đăng nhập, bạn hãy lập tức đổi mật khẩu đi. Đừng có phớt lờ kiểu "Ôi, có sao đâu mà!". Hoặc nếu phát hiện nick mình bị hack thì ngay lập tức tạo một nick mới, kết bạn với vài người tối quan trọng như bạn thân, ba mẹ v.v... Sau đó đăng một stt tag công khai tất cả họ vào và thông báo nick của bạn đã bị hack. Bằng cách này sẽ tránh được trường hợp bị lừa tiền. 

Bên phía gia đình nếu nghe tin con cái muốn chuyển tiền (gấp) thì nhớ phải call cho bằng được mặt thì mới chuyển. Đừng có vì ba cái tin ngủn ngủn kiểu: Mạng yếu, đang bận, v.v... mà tin rồi chuyển vào tài khoản vớ vẩn nào đó.

Cứ dứt khoát mà nói: "Bao giờ mày hết bận call tao thì tao chuyển tiền!" 

6. Bán hàng đểu.

Hàng đểu ở đây có thể là thuốc men, đồ điện tử v.v.. Thật ra những thứ này bạn vốn dĩ có thể mua được tại các cửa hàng Nhật, nhưng vì có người ngại tiếng kém, quen xài đồ Việt (???) nên tìm cho bằng được người Việt bán mới mua. Sau đó mua hàng về lại không dùng được lúc đó thì cũng mất tiền rồi. Đồng ý là có nhiều người Việt buôn bán lương thiện nhưng người Việt bán đồ rác , đồ đểu thì cũng không ít đâu... 

Mình đây suýt chút bay mất 2man vì tính mua con tai nghe ở chỗ shop người Việt. Còn cái page shop Việt- Nhật 24/24 gì gì đó trên Facebook thì bạn né nhanh đi, chuyên bán hàng rỏm giá xịn đấy! 

7. Vé máy bay Online

Đây là cái việc vô lý nhất trong các việc bị lừa. Bây giờ hãng vé máy bay nào cũng có trang web riêng, giá cả thông tin cập nhật không sót một li nào. Bạn không biết tiếng? Đừng nói với mình trang Vietnam Airline chỉ có tiếng Nhật nhé? Rõ ràng bạn có thể tự đặt vé đúng không? Bạn ở Việt Nam đặt đủ kiểu hàng online trên Tiki, Shopee, Lazada v.v.. mà giờ không đặt được vé máy bay trên một trang web của người Việt? Cứ gần mấy tháng Tết, Noel, Hè này kia là mình lại thấy ít nhất 1 bài viết bóc phốt về việc bị lừa mua vé máy bay. Đại loại bạn nhờ người mua rồi, chuyển tiền rồi, nhận vé rồi, chỉ là cái vé đó không xài được thôi :)) 


Bên cạnh đó mình đọc không ít phốt của mấy page như "Vé máy bay Việt- Nhật" hay "VNA Booking" rồi. Nên phải thật cẩn thận! Đến lúc bị lừa đăng lên thì người khác chỉ có thể phẫn nộ hay chửi giúp bạn vài dòng thôi, không tìm lại được tiền đâu! 

Tạm kết, có rất nhiều người Việt tốt. Họ phấn đấu từng ngày từng giờ, để lại tiếng thơm, giúp bọn kohai lớ ngớ mới sang hết mình. Nhưng ở đời "Thạch Sanh thì ít mà Lý Thông thì nhiều", bạn có thể bị lừa 1-2 lần (với cái giá tầm 1man đổ lại) cho khôn lên, xem như tiền học phí mua bài Nhân sinh môn Tình người :)) Nhưng nếu tới lần thứ 3 mà vẫn bị lừa cay thật cay thì này là lỗi của bạn rồi.

 Cuộc sống du học xa nhà vốn đã không dễ dàng gì, bạn phải biết bảo vệ bản thân thật tốt, phải nhanh nhạy phán đoán mọi thủ đoạn, cứng rắn trước những kẻ nương danh "đồng hương" làm điều đê hèn. Và bởi tất cả chúng ta đều ra đi với hy vọng có một tiền đồ tươi sáng hơn nên những ai đang ấp ủ ý định lừa một ai khác thì hãy nghĩ lại, bạn còn trẻ, bạn nhịn ăn một ngày, làm thêm một buổi nữa, mệt thì có mệt nhưng lương tâm của bạn nhẹ nhàng và ba mẹ bạn cũng tự hào vì có người con biết phấn đấu chứ không phải rứt ruột đẻ ra đứa con ngày đêm vắt óc nghĩ cách đi lừa người khác.

Hãy yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét