Mình cũng đã phải đối mặt với sự phản đối của gia đình gần một năm. Cũng từng dùng mọi "thủ đoạn" như: Nhẹ nhàng thuyết phục, tag tên vào mấy bài post tốt đẹp trên Facebook, hay cả "khổ nhục kế" khóc lóc ầm ĩ v.v... Thời gian một năm đó, một đứa 18 tuổi- Đại học không muốn thi, Du học chẳng biết đi về đâu, cuộc sống mình cứ lỡ dở như thế đấy.
Ông bà có câu: "Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh". Bài viết này mình sẽ dành cho các đối tượng như sau:
a. Có ý thức chăm chỉ học, tức đi du học là phải xác định phần "học" nhiều hơn phần "làm".
b. Kinh tế gia đình ổn định. Tức là gia đình sẽ đủ điều kiện cho bạn đi du học nhưng vì còn nhiều điều băn khoăn nên chưa chấp nhận.
1. Thể hiện tính tự lập.
Thử một lần đặt bản thân vào vị trí của Phụ huynh, nếu bạn có con cái, con của bạn việc nhà không biết, nấu ăn cũng không xong, lúc đổ bệnh thì chỉ nằm chờ bạn kêu đi uống thuốc, ngày ngày cơm bưng nước rót,... Liệu bạn có yên tâm cho con bạn lên đường đi một nơi xa như thế? Câu trả lời chắc chắn là "không". Vậy nên, nếu muốn ba mẹ chấp nhận con đường đã chọn của bạn, trước hết hãy làm cho ba mẹ tin rằng bản thân mình dù một mình ở nơi xa cũng có thể tự lo liệu được.
Ngay bây giờ, hãy thôi nằm ườn người bấm điện thoại, hãy quét nhà, lau dọn lại căn phòng mà mình chẳng bao giờ động tay dọn dẹp. Học cách chủ động rửa chén sau mỗi bữa cơm. Nếu bạn chưa thể nấu ăn, ít nhất hãy nấu được cơm. Thể hiện với ba mẹ bạn cũng muốn học "tủ" vài món ăn để sống sót ở phương xa.
2. Ngưng trẻ con.
Khi đi xa rồi, bạn sẽ biết thế gian này chẳng ai chấp nhận mấy trò mè nheo vớ vẩn của bạn ngoài ba mẹ đâu. Ba mẹ cũng biết nếu bạn rời vòng tay họ, tính trẻ con của bạn sẽ khiến bạn rước vô số rắc rối. Nên nếu bạn là người ngoan cố, bướng bỉnh, xin hãy cố gắng sửa đổi cá tính đó lại. Một cách cụ thể hơn là bạn có thể đi xin việc part-time (quán cafe, nhà hàng, quán fastfood hay quán trà sữa gì cũng được), công việc part-time này sẽ là một cách hữu ích thay bạn chứng minh cho phụ huynh thấy bạn không phải một đứa trẻ con hay đòi hỏi, vòi vĩnh lung tung.
3. Lấy được chứng chỉ ngoại ngữ.
Bạn sẽ sống kiểu gì nếu ngoại ngữ bập bẹ? Gia đình làm sao yên tâm để bạn ở nước ngoài với cái ngoại ngữ hỗn độn kia? Cách này thật sự rất hiệu quả cho việc thuyết phục phụ huynh rằng họ có thể yên tâm để bạn học hành ở một đất nước xa xôi vì bạn đã có trong tay tấm chứng chỉ ngoại ngữ- quyền lực xịn như "kim bài xuất cung". ^_^ Bạn không cần phải lấy chứng chỉ gì quá cao, quá tầm cỡ, chỉ cần một chứng chỉ căn bản, nhập môn cũng đủ làm ba mẹ yên tâm hơn rồi.
4. Sự thuyết phục từ người lớn.
Hãy bằng bất kỳ cách nào đó thuyết phục người lớn, xấp xỉ tuổi phụ huynh càng tốt. Bạn có thể nhờ cậy hàng xóm, họ hàng thân thiết, phụ huynh của bạn bè hoặc thầy cô đều được. Chỉ cần động lực ra nước ngoài của bạn là học tập, trải nghiệm chứ không phải ăn chơi lêu lỏng, trốn tránh sự kiểm soát từ gia đình thì mình tin người lớn nào cũng đủ tỉnh táo để ủng hộ bạn.
Sự thuyết phục của bạn đôi khi không mang lại hiệu quả, không làm ba mẹ tin cậy được, nhưng nếu đó là lời thuyết phục đến từ người lớn thì khả năng thành công sẽ cao hơn rất nhiều.
5. Sự quyết tâm của chính bạn.
Điều quan trọng cuối cùng chính là sự quyết tâm của bạn. Nếu bạn kiên trì, nhất quyết muốn vùng vẫy ở một nơi bao la khác, muốn một lần trong đời tuổi trẻ được cháy lên thì ba mẹ nhất định sẽ "chào thua" trước sự quyết tâm của bạn. Bạn còn trẻ, những lời ngọt nhạt mang cái mác "khuyên nhủ" của người lớn đôi khi làm bạn xiêu lòng, đắn đo suy nghĩ với quyết định của mình.
Niji cũng đã từng như thế, tuy nhiên bạn nên nhớ "Người ta chỉ hối hận về những điều chưa làm, chứ không bao giờ hối hận về những điều đã làm", nếu bạn thực sự khao khát đặt chân ra thế giới rộng lớn ngoài kia mình nghĩ bạn sẽ kiên trì với quyết định của mình đến cuối cùng.
Bạn có cả Thế giới bao la để đi, nhưng chỉ có một gia đình bé nhỏ để trở về!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét