2018/08/29

[TRẢI NGHIỆM BAITO] Chuyện lương tay và lương thẻ.

Dạo gần đây cục xuất nhập cảnh Nhật Bản xét duyệt visa trở nên gắt gao hơn bao giờ hết. Nguyên nhân rớt visa phần lớn là do các du học sinh Việt Nam sang Nhật làm thêm quá số giờ quy định. Theo luật, visa tư cách du học sinh được phép làm thêm 28 tiếng/tuần. Nhưng có nhiều du học sinh lại cố tình lách luật làm thêm lên đến 50-60 tiếng/tuần. Chính điều đó, cộng thêm có nhiều du học sinh cư trú bất hợp pháp đã khiến cục xuất nhập cảnh "mạnh tay" trong việc xét duyệt visa hơn. Và cũng vì thế phát sinh ra câu chuyện "lương tay và lương thẻ".


Ai là du học sinh cũng đều biết đến cụm từ này. Tức chỉ một việc "hợp pháp", đúng thủ tục, đóng thuế đầy đủ và đúng 28 tiếng/tuần như quy định. Còn một việc lách luật, không nộp bất kỳ giấy tờ nào và nhận lương tay có thể làm bao nhiêu tiếng tùy ý. 

Niji có nhiều bạn bè cũng làm nhiều việc như thế này, nhưng vì những việc thế này mà bao chuyện dở khóc dở cười xảy ra. Việc làm không nộp giấy tờ, lương tay như thế thường khó ổn định thời gian. Và hơn thế nữa, vì không có sự bảo hộ của pháp luật nên dễ bị quỵt mất lương. Tuy nhiên, nhiều du học sinh chấp nhận rủi ro đó, để có thể có thêm thu nhập trang trải tại một quốc gia có chi phí sinh hoạt đắt đỏ như thế này. 


Kết quả hình ảnh cho hoa sakura

Khi làm việc lương tay, bạn có khả năng cao sẽ không bị cục xuất nhập cảnh truy ra giờ làm trái phép. Nhưng lương thấp hơn lương cơ bản mà nhà nước đã quy định. Thêm nữa, trong trường hợp đen nhất có thể bạn bị chủ trừ bớt tiền lương vô lý hoặc không trả đúng như thỏa thuận ban đầu thì cũng khó mà kiện cáo được vì cơ bản bạn cũng đang vi phạm pháp luật.

Lương thẻ an toàn hơn và hợp lệ nhất. Sẽ không công ty, nhà hàng nào dám quỵt một đồng lương nào của bạn nếu bạn nộp đầy đủ giấy tờ và đóng thuế đầy đủ theo công việc này. Và đây sẽ là công việc mà dựa vào nó cục xuất nhập cảnh sẽ xét xem bạn có đủ tiêu chuẩn để cấp visa tiếp tục ở Nhật nữa hay không. Bạn sẽ không phải phập phồng lo sợ xem liệu mình có bị chặn bớt tiền lương với công việc lương thẻ nữa. 

Nếu vì lý do nào đó mà bạn cần chi phí sinh hoạt bạn có thể làm công việc lương tay thêm cũng không sao. Hơn thế nữa, nếu bạn làm lương tay cũng đồng nghĩa với việc bạn không cần phải đóng  thuế. Tuy nhiên công việc này khá khó tìm vì cơ bản công ty thuê bạn không giấy tờ cũng là việc làm phạm luật. 

Theo kinh nghiệm của Niji, việc làm không yêu cầu giấy tờ thường bao gồm yếu tố sau:

1) Combini (Cửa hàng tiện lợi): Một số hệ thống của 711 hoặc Lawson có thể sẽ tuyển nhân viên lương tay. Tất nhiên lương của bạn sẽ thấp hơn một chút nhưng khả năng quỵt hoặc trừ tiền vô cớ sẽ thấp. 

2) Việc làm xưởng: Đặc biệt là xưởng ca từ đêm đến sáng sẽ ít khi yêu cầu giấy tờ. Công việc vất vả, lương không cao nhưng bù lại bạn sẽ yên tâm có thêm chút thu nhập mà không bị cục chú ý đến.

3) Việc quán ăn: Những quán ăn không thuộc hệ thống lớn, hoặc các quán ăn gia đình nho nhỏ sẽ tuyển bạn làm lương tay. Lương ổn, nhưng giờ làm bấp bênh dẫn đến thu nhập cũng không mấy ổn định. Khả năng bị quỵt hoặc trừ lương linh tinh là hoàn toàn có. Công việc của bạn cũng sẽ vất vả, nếu kém may mắn có thể bị bắt nạt ở chỗ làm. Tuy nhiên, lương cao và không cần giấy tờ là một điểm cộng.

Ở Nhật, mọi quy tắc và điều lệ đặt ra đều có mục đích của nó. Nếu bạn làm 28 tiếng/tuần, bạn vẫn đủ phí sinh hoạt, tiết kiệm một ít để phòng trường hợp xấu hoặc để đi du lịch xa đâu đó một vài lần. Bên cạnh đó bạn vẫn đủ thời gian cũng như sức khỏe để học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ của bản thân. 


Hình ảnh có liên quan

Đã qua rồi cái thời người ta mượn danh nghĩa du học, sang đây đi làm miệt mài trả nợ rồi tích lũy vốn về nhà đầu tư. Cục xuất nhập cảnh ngày càng siết chặt, visa cấp theo từng năm một, nên chỉ cần năm đầu bạn làm quá tiếng, hoặc có động thái phạm luật thì cục sẽ không cấp visa nữa. Lúc đó mới sang một năm, tiền chưa đủ nhiều, tiếng chưa đủ giỏi, thời gian phí phạm thì khá là uổng phí. Vậy nên, hãy cân nhắc kỹ trường hợp này. Nếu gia đình bạn chưa đủ điều kiện kinh tế, vẫn có rất nhiều con đường khác để chạm đến giấc mơ Nhật Bản. 

Hẹn gặp lại các bạn trong bài viết tiếp của Niji.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét